Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cấp quyền khai thác cát biển
Kinhtedothi - Chiều 11/6, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát biển theo cơ chế đặc thù Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội.
Tại cuộc họp, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã báo cáo tình hình thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Dự án Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã có văn bản giới thiệu Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C là đơn vị thi công dự án để làm việc với địa phương thực hiện các thủ tục cấp quyền khai thác theo quy định.
![](https://resource.kinhtedothi.vn/2024/06/11/alau.jpeg)
Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành khảo sát, hoàn thiện hồ sơ đăng ký khu vực, trữ lượng khai thác các mỏ cát biển theo hướng dẫn của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, xác định phạm vi cát biển thuộc Dự án Hậu Giang - Cà Mau, với nhu cầu khối lượng cát biển sử dụng khoảng 6 triệu mét khối.
Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị tỉnh Sóc Trăng quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện cấp bản xác nhận cho nhà thầu làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ đề nghị giao khu vực biển theo quy định. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các thủ tục nộp các loại thuế, phí liên quan theo quy định để nhà thầu chủ động thực hiện ngay sau khi được cấp bản xác nhận.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc cấp mỏ khai thác cát biển cho nhà thầu triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhưng hiện nay, tỉnh đang khó khăn trong việc không đủ thẩm quyền cấp phép khai thác theo Luật Khoáng sản hiện hành. Tuy nhiên, tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nên chưa thể cấp phép khai thác cát biển.
"Như tại khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản năm 2010; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ, UBND cấp tỉnh quản lý, giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền. Trong khi đó mỏ cát biển Khu B1 tỉnh Sóc Trăng (do Bộ TN&MT đánh giá và bàn giao cho tỉnh) lại nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý nên hiện không thuộc thẩm quyền quản lý và cấp phép của tỉnh" - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lý giải.
Ông Trần Văn Lâu cho biết, hiện nay, chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc ủy quyền cho UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác cát biển tại khu vực biển nằm ngoài phạm vi vùng biển 6 hải lý. Chính những khó khăn đó, tỉnh không thể cấp quyền, cấp Bản xác nhận cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản xin ý kiến Chính phủ, Bộ TN&MT cho tỉnh được cấp phép khai thác cát biển trong và ngoài 6 hải lý để tỉnh làm cơ sở pháp lý cấp mỏ khai thác cát biển cho đơn vị nhà thầu đúng theo quy định của pháp luật.
![Sóc Trăng duyệt giấy phép đầu tiên cho khai thác cát sông](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/06/01/8d73e0cc-52b2-47ba-8f3f-650af96f91db.jpeg)
Sóc Trăng duyệt giấy phép đầu tiên cho khai thác cát sông
Kinhtedothi - Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBND tỉnh đã duyệt giấy phép đầu tiên khai thác cát sông tại mỏ cát 05 trên sông Hậu, phục vụ Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ -Sóc Trăng, thành phần 4.
![Sóc Trăng: tìm hướng đi cho làng nghề hầm than](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/06/03/loidi-2-1717109394947.jpeg)
Sóc Trăng: tìm hướng đi cho làng nghề hầm than
Kinhtedothi - Được hình thành cách đây hơn 50 năm, làng nghề hầm than ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, nghề này cũng khiến môi trường bị ô nhiễm bởi bụi than và cần tìm một hướng đi khác...
![Sóc Trăng: phát hiện trên 40.000 sách giả mạo nhà xuất bản uy tín](https://resource.kinhtedothi.vn//2024/06/08/9252096e-bcc2-434f-a6ec-29dbfc59c0a6.jpeg)
Sóc Trăng: phát hiện trên 40.000 sách giả mạo nhà xuất bản uy tín
Kinhtedothi - Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng) vừa phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất, phát hiện và tạm giữ hơn 40.155 quyển sách các loại giả mạo sách của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, với tổng giá trị trên 598 triệu đồng.